. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

Giáo Hội công nhận cuộc hiện ra của Đức Mẹ Kibeho

GIÁO HỘI CÔNG NHẬN CUỘC HIỆN RA
CỦA ĐỨC MẸ KIBEHO

“Đúng vậy, Đức Trinh Nữ đã hiện ra ở Kibeho”, bản công bố chính thức đã cho biết Thảm Họa Diệt Chủng tại Rwanda đã được thấy trong thị kiến trước khi xảy ra.

Vatican, ngày 02 tháng 07 năm 2001 (Zenit.org) - Đức Giám Mục Augustine Misago ở Rwanda là một người đã tin như vậy.

Đức Giám Mục cho biết: “Phải, Đức Trinh Nữ Maria đã hiện ra tại Kibeho vào ngày 28 tháng 11 năm 1981, và tiếp tục hiện ra trong sáu tháng tiếp sau đó.” “Có nhiều lý do đáng tin hơn là phủ nhận sự kiện này.”

Với lời phát biểu trên, Đức Giám Mục Misago thuộc giáo phận Gikongoro ở Rwanda đã bày tỏ các khẳng định đáng tin về ba thiếu nữ trẻ người Rwanda, là những người đã cho biết họ đã được thấy Đức Trinh Nữ. Lời phát biểu nói trên xuất hiện trên “Công báo Phán Quyết cuối cùng về các cuộc hiện ra tại Kibeho”, do Tòa Thánh Vatican phát hành vào ngày Thứ Sáu.

Đức Giám Mục Misgo cũng đã tuyên bố một cách trịnh trọng trong một Thánh Lễ đồng tế với tất cả các Giám Mục Rwanda và Đức Khâm Sứ Tòa Thánh tại Kigali.

Tuy nhiên Ngài không thể khẳng định sự thật về tất cả những người đã tường trình về các cuộc hiện ra.

Đức Giám Mục đã trịnh trọng tuyên bố rằng Đức Mẹ chỉ hiện ra với các em Alphonsine Mimureke, với Nathalie Mukamazimpaka và với Maria Claire Mukangango mà thôi. Vào lúc đó, cả ba em này mới 17, 20 và 21 tuổi, theo thứ tự trên, và theo như công báo là: “đã đáp ứng một cách thỏa đáng mọi tiêu chuẩn mà Giáo Hội đã ấn định trong vấn đề các mặc khải tư và cuộc hiện ra có tính cách riêng tư.”

Văn kiện còn tiếp tục minh định rằng “trái lại, diễn tiến của những lần được cho là các thị kiến tiếp theo, nhất là sau khi các cuộc hiện ra đã chấm dứt, đã cho thấy các tình huống đặc thù đáng lo ngại, đã củng cố thêm các sự dè dặt hiện hành có liên can đến các thị kiến này.”

Hơn nữa, văn kiện không đề cập đến các lần được cho là các thị kiến về Chúa Giêsu đã được tường trình từ năm 1982.

Thay vào đó, việc tôn sùng các cuộc hiện ra của Đức Trinh Nữ tại Rwanda lại được khuyến khích, đã được Đức Giám Mục Jaen Baptiste Gehamanyi cho phép vào năm 1982 bằng việc cung hiến Đền Thánh Đức Mẹ Sầu Bi tại Kibeho.

Một trong các sự kiện đã diễn tiến theo điều đã được công bố, là thị kiến trước về nạn diệt chủng tại Rwanda, đã xảy ra 13 năm sau.

Các thiếu nữ ấy nói rằng họ đã thấy “Một giòng sông máu, thiên hạ chém giết lẫn nhau, những xác chết bị bỏ mặc không được chôn cất; cây cối bốc cháy, một vực thẳm được mở ra, một con quái vật và những chiếc đầu bị chém.”

Thị kiến khủng khiếp ấy chỉ là một trong các thị kiến cùng loại. Trong các cuộc hiện ra về sau, Đức Mẹ với làn da ngăm đen, đã khuyến khích các thiếu nữ hãy cầu nguyện, ăn chay và ăn năn sám hối. Trong một số trường hợp người ta thấy họ nhảy múa trước mặt Đức Trinh Nữ.

Trong cuộc hiện ra lần đầu tiên diễn ra lúc 12 giờ 35 phút chiều ngày 28-11-1-81 tại phòng ăn của một ngôi trường ở Kibeho, ngôi trường này được điều hành bởi một hội đồng địa phương, Alphonsine Mumureke đã nghe thấy một giọng nói gọi cô: “Con gái của Mẹ ơi!”

Mumureke bước ra hành lang và trông thấy một phụ nữ rất đẹp: “Bà mặc một chiếc áo trắng và đội trên đầu một tấm khăn voan màu trắng. Bà chắp tay trước ngực, các ngón tay hướng lên trời.”

Mumureke hỏi Đức Mẹ: “Bà là ai?” Đức Mẹ đã trả lời bằng tiếng địa phương: “Ndi Nyina Wa Jambo.” Có nghĩa là: “Ta là Mẹ của Ngôi Lời.” Đức Mẹ nói tiếp: “Mẹ đến để làm cho con được an lòng, vì Mẹ đã nghe thấy lời cầu nguyện của con. Mẹ muốn bạn bè của con cũng có đức tin, vì sức mạnh đức tin của họ chưa đủ.”

Vào tháng Giêng năm 1982, Nathalie Mukazimpaka đã được thấy Đức Trinh Nữ; những lần hiện ra này tiếp tục cho đến ngày 03 tháng 12 năm 1983.

Vào ngày 02/03/1982, lần này đến lượt Marie Claire Mukangango. Những lần hiện với cô đã diễn ra trong 6 tháng cho đến ngày 15/09/82.

Lần hiện ra cuối cùng đối với Mumukere là ngày 28/11/1989, đúng 7 năm sau lần hiện ra đầu tiên. 

Trong khi đó, vào năm 1982, Đức Giám Mục đã chỉ định một Ủy Ban y khoa và sau đó là một Ủy Ban Thần Học đến để điều tra những tường trình này.
Những tháng tiếp theo sau, số lượng các thị kiến được tường thuật đã lên đến con số 7 em. Có ba cô khác và một cậu bé đã nói rằng họ đã được Chúa Giêsu hiện ra với họ; không có cuộc hiện ra nào như vừa nói đã được công nhận.

Từ những ngày đầu tiên Đức Mẹ hiện ra tại Kibeho, miền nam Rwanda, đã có nhiều trường hợp hoán cải trở lại đạo, nhiều buổi gặp gỡ để cùng nhau cầu nguyện, nhiều cuộc hành hương, nhiều trường hợp được chữa lành bệnh tật và các hiện tượng bất thường trong thời gian các cuộc hiện ra công khai này.

Cuộc nội chiến sắc tộc vào giữa thập niên 1990, đối với nhiều người, thì dường như đó là sự thực hiện lời tiên báo.

Linh Mục René Laurentin, một nhà Thánh Mẫu Học nổi tiếng người Pháp, bình luận trong giữa thập niên 1980 về sự kiện tại Kibeho, Ngài đã nói rằng: “Các sự kiện ấy là một dấu hiệu đáng mừng cho Phi Châu, cho Hội Thánh của Phi Châu, cho sự tái tổ chức Phi Châu theo đúng ý nghĩa của từ ngữ.”

Trong cuộc viếng thăm đất nước Rwanda năm 1990, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã hô hào các tín hữu hãy hướng về Đức Trinh Nữ như là một người dẫn đường chỉ lối chắc chắn và đơn sơ, và hãy cầu nguyện cho một dự luật lớn lao hơn là đối kháng lại với các chia rẽ địa phương, cả về chính trị lẫn sắc tộc.
-----------------------------------------------------------------------

ĐỂ TRÁNH CHIẾN TRANH TÀN KHỐC : HÃY HOÁN CẢI, CẦU NGUYỆN, ĐỀN TỘI, VÀ CHAY TỊNH.

SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC MẸ SẦU BI Ở KIBEHO, RWANDA

Những cuộc hiện ra này đã được Giáo Hội địa phương và Vatican chính thức công nhận năm 2001.

Tại Kibeho năm 1984, Đức Mẹ đã tiên báo sẽ có một cuộc chiến tranh tàn khốc vào năm 1994.

Tập san “Michael” lần đầu tiên đã tường thuật về những cuộc hiển linh của Đức Mẹ Kibeho ở Rwanda, Phi Châu, trong số phát hành tháng Giêng và tháng Hai năm 1988. Các cuộc hiện ra này đã được Giáo Hội chính thức công nhận. Tuần báo Vatican L’Osservatore Romano đã đăng tin tức ấy trong ngày 11 tháng 07 năm 2001. Các cuộc hiện ra của Mẹ Ngôi Lời bắt đầu từ tháng 11 năm 1981, và còn tiếp diễn cho đến năm 1989. Các Sứ Điệp của Đức Mẹ Kibeho đều liên quan đến toàn thể thế giới.

Trích dẫn bản tuyên cáo của Đức Giám Mục ở Gikongoro:

Ngày 02-07-2001, Tòa Thánh đã phát hành bản tuyên bố của Đức Giám Mục Augustine Misago thuộc giáo phận Gikongoro, công bố về những lần Đức Mẹ hiện ra vào năm 1982 - 1983 ở Kibeho. Sau đây là một số trích dẫn:

“Hai Ủy Ban Nghiên Cứu, một Ủy Ban gồm các bác sĩ, và một Ủy Ban gồm các thần học gia đã được Giám Mục địa phương nhanh chóng thiết lập. Các Ủy Ban đã bắt đầu làm việc từ tháng 04-1982… Tiến trình công việc của các Ủy Ban nghiên cứu hiện nay đang cung cấp đầy đủ các yếu tố cho phép giới hữu trách có thẩm quyền thuộc Giáo Hội tuyên bố một cách dứt khoát về vấn đề này.

“Căn cứ vào kết quả nghiên cứu, Đức Giám Mục Augustine Misago giáo phận Gikongoro, là người đại diện có thẩm quyền của Giáo Hội, đã phát hành bản tuyên bố có liên quan đến phán quyết cuối cùng về những lần hiện ra ở Kibeho, nước Rwanda. Sự kiện quan trọng này trong lịch sử Giáo Phận Gikongoro, cũng như trong đời sống của Giáo Hội ở Rwanda, đã diễn ra vào ngày 29-06-2001 là ngày Lễ Kính các Thánh Phêrô và Phaolô, trong thời gian cử hành Thánh Lễ đồng tế trang trọng ở nhà thờ chính tòa Gikongoro. Tất cả hàng Giám Mục ở Rwanda, cùng với Sứ Thần Tòa Thánh tại Kigali đều hiện diện…

“Đức Giám Mục đã tuyên bố: “Phải, Đức Trinh Nữ Maria đã hiện ra ở Kibeho vào ngày 28-11-1981 và vào những ngày tháng sau đó. Có nhiều nguyên do để tin vào các cuộc hiện ra ấy hơn là phủ nhận… Những lần Đức Mẹ hiện ra tại Kibeho giờ đây đã được chính thức công nhận. Danh hiệu đã được đặt cho Đền Thánh Đức Mẹ tại Kibeho là “Đền Đức Mẹ Sầu Bi.”

“Vậy thì Kibeho sẽ trở thành chốn hành hương và là nơi gặp gỡ cho tất cả những ai tìm kiếm Chúa Kitô, cũng như cho những người đến đây để cầu nguyện, là một trung tâm có tính chất nền tảng cho sự hoán cải, cho sự đền bù tội lỗi của thế giới và cho sự hòa giải, là một địa điểm gặp gỡ cho những ai bị ly tán, cũng như cho những ai khao khát các giá trị của lòng trắc ẩn và tình huynh đệ không biên giới, là một trung tâm trọng yếu đang tái kêu gọi sống theo Tin Mừng của Thập Giá.

“Công bố này nhằm có thể đáp lại lòng mong đợi của dân Chúa và nhằm mang lại lòng nhiệt thành mới mẻ đối với lòng sùng kính công khai đã được nhận biết trong 13 năm qua. (Trích trong L’Osservatore Romano”, ấn bản hàng tuần bằng tiếng Anh, ngày 11 tháng 07 năm 2001, trang 8).

Vào năm 1988, tuy chưa được sự phê chuẩn chính thức về các cuộc hiện ra, Đức Giám Mục Jean Baptiste Gahamanyi của giáo phận Butare là nơi Kibeho trực thuộc vào thời gian ấy, đã cho phép sùng kính một cách công khai ngay tại nơi Đức Mẹ hiện ra. Ngày nay, Kibeho thuộc giáo phận Gikongoro do Đức Giám Mục Augustin Misago cai quản.
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------

PHÁN QUYẾT VỀ CÁC CUỘC HIỆN RA CỦA ĐỨC MẸ TẠI KIBEHO
Tuyên bố của Giám Mục Gikongoro, Rwanda.

Hai mươi năm đã qua từ khi bắt đầu nghiên cứu hồ sơ về các cuộc hiện ra của Đức Trinh Nữ Maria tại Kibeho. Các hiện tượng bất thường này đã bắt đầu vào ngày 28-11-1981, trong một ngôi trường cao đẳng tại Kibeho.

Các cuộc hiện ra ấy đã tiếp tục trong một thời gian dài rất đáng kể. Có nhiều phát biểu đã được các người được cho là thị nhân đã nói ra, và có nhiều sự kiện, ít nhiều huyền nhiệm đã xảy qua nhiều năm. Tuy nhiên, hiện tượng tăng nhanh các người được cho là thị nhân tại miền Kibeho và các nơi khác còn lại trong đất nước có thể thực sự làm sai lạc dư luận.

Hai ủy ban nghiên cứu, một gồm các bác sĩ và một gồm những thần học gia, đã nhanh chóng được Đức Giám Mục địa phương chỉ định; hai ủy ban này đã làm việc từ tháng Tư năm 1982.

Ngày 15-08-1988, Đức Giám Mục sở tại đã quyết định chuẩn y việc sùng kính công khai gắn liền với các cuộc hiện ra của Đức Trinh Nữ Maria tại Kibeho. Nhận thức được tính chất hợp lệ của việc sùng kính ấy, Ngài đã thận trọng tách riêng ra hai vấn nạn về tầm quan trọng trên hết đối với tương lai để giải quyết sau này.

- Phải chăng Đức Trinh Nữ Maria và Chúa Giêsu hiện ra tại Kibeho theo sự khẳng định của các người được cho là các thị nhân?

- Nếu vậy, thị nhân nào, nam hay nữ, đáng tin được theo quan điểm của đa số quần chúng là những người hiện diện trong những ngày ấy bắt đầu nói về các thị nhân và các Sứ Điệp từ Trời?

Với tình trạng tiên tiến trong công tác của ủy ban nghiên cứu hiện nay đã đưa ra các yếu tố hữu hiệu cho phép giới hữu trách có thẩm quyền của Giáo Hội dứt khoát ra tuyên bố về vấn nạn này.

Để kết luận, Đức Giám Mục Augustin Misago thuộc giáo phận Gikongoro, đại diện cho giới thẩm quyền, đã ban hành tuyên bố của Ngài có liên can đến phán quyết có tính chất dứt khoát về các cuộc hiện ra tại Kibeho, Rwanda. Biến cố quan trọng này trong lịch sử Giáo Phận Gikongoro, cũng như trong đời sống Giáo Hội Rwanda, đã diễn ra vào ngày 29-06-2001, ngày lễ Kính các Thánh Phêrô và Phaolô, trong một Thánh Lễ trang trọng được cử hành tại Vương Cung Thánh Đường Gikongoro.

Tất cả hàng Giám Mục Rwanda cùng với Sứ Thần Tòa Thánh tại Kigali đã hiện diện, cùng với các Linh Mục, Tu Sĩ và giáo dân từ các giáo xứ khác và các cộng đoàn Tu Sĩ thuộc Giáo Phận Gikongoro, cũng như các thành phần nói trên từ những Giáo Phận khác trong khắp đất nước.

Đức Giám Mục Misago, làm chủ tế trong Thánh Lễ, trước hàng cử tọa, đích thân Ngài đã đọc lên Bản Tuyên Bố đã được chờ đợi từ lâu, nhưng vì thiếu thời gian nên Ngài chỉ đọc các đoạn văn có ý nghĩa nhất. Văn bản dài 23 trang này bao gồm 3 phần (hay 3 chương).

I. Giải thích các sự kiện:

Phần thứ nhất của Bản Tuyên Bố (từ trang 01 đến trang 10) bao gồm sự mô tả ngắn gọn các sự kiện, trong đó Đức Giám Mục tiên vàn đã nêu lên một số điểm có liên quan đến lịch sử, sau đó, Ngài giới thiệu các thành phần của các Sứ Điệp và cuối cùng Ngài cho thấy các cuộc hiện ra tại Kibeho đã sinh sản ra hoa trái như thế nào – hoa trái thơm ngon – bất chấp các giai đoạn đầy khó khăn mà đất nước Rwanda và các quốc gia khác của miền Đại Hồ (Great Lakes) đã sống trong 10 năm vừa qua.

II. Nghiên Cứu và Kết Luận:

Phần thứ hai của Bản Tuyên Bố (từ trang 11 đến trang 19), là trọng tâm của vấn đề. Bắt đầu bằng việc kêu gọi các sáng kiến xúc tiến lòng tôn sùng Đức Mẹ do Đức Giám Mục Augustin Misago thuộc Giáo Phận Gikongoro đưa ra. Vào năm 1988, vị tiền nhiệm của Ngài đã cho phép được sùng kính công khai tại vị trí những lần hiện ra của Đức Mẹ. Vị tiền nhiệm của Ngài là Đức Giám Mục Jean Baptiste Gahamanyi, hiện nay thuộc Giáo Phận Butare là Giáo Phận được tách ra từ Giáo Phận Kibeho. Sau khi diễn giải các giai đoạn mới đây trong công tác của ủy ban nghiên cứu, Đức Giám Mục đã tuyên bố rằng hồ sơ đã chuẩn bị xong và đã đến giai đoạn đưa ra các kết luận, được tóm tắt trong 16 điểm. Đức Giám Mục đã công bố như sau:

Ba chứng từ xác thực ban đầu về các cuộc hiện ra tại Kibeho:

1. Thật vậy, Đức Trinh Nữ Maria đã hiện ra tại Kibeho vào ngày 28-11-1981 và trong những tháng kế tiếp. Có nhiều lý do để tin hơn là chối bỏ trong các cuộc hiện ra ấy. Chỉ có ba chứng từ ban đầu xứng đáng được cho là có tính chất xác thực; những chứng từ ấy được đưa ra từ các thị nhân Alphonsine Mumereke, Nathalie Mukamazimpaka và Marie Claire Mukangango. Đức Trinh Nữ đã hiện ra với họ dưới danh hiệu "Nyina wa Jambo", có nghĩa là “Mẹ của Ngôi Lời”, đồng nghĩa với "Umubyeyl W'iamna" có nghĩa là “Mẹ Thiên Chúa”, như chính Mẹ đã giải thích.

Các lý do khác nhau minh chứng cho sự chọn lựa của Đức Mẹ đối với ba thị nhân đã được công nhận là thị nhân. Những chứng nhân ấy, được gắn liền với các sự kiện lịch sử, là những chứng nhân duy nhất hiện diện trong nhiều tháng, ít nhất đến tháng Sáu năm 1982. Họ là những người đã khiến cho Kibeho nổi tiếng là một nơi được Đức Mẹ hiện ra và là nơi có đông dân chúng hình thành nên các cuộc hành hương lũ lượt kéo đến đây. Điều quan trọng hơn là Alphonsine, Nathalie và Marie Claire đã phù hợp một cách thỏa đáng với mọi tiêu chuẩn được Giáo Hội thiết lập về vấn đề các cuộc hiện ra và các mặc khải có tính chất riêng tư. Ngược lại, diễn tiến về các người tiếp theo được cho là thị nhân, đặc biệt là khi các cuộc hiện ra đã chấm dứt, đã phản ánh các tình trạng bất an có tính chất đặc thù, đã củng cố cho các mối nghi ngại đang xuất hiện có liên can đến họ và làm ngăn cản các giới thẩm quyền của Giáo Hội đề cử họ với các tín hữu như là các điểm để tham khảo.

3. Trong diễn tiến của các sự kiện các Sứ Điệp, chỉ có các cuộc hiện ra công khai là được đưa vào nghị trình. Công khai có nghĩa là những cuộc hiện ra ấy diễn ra dưới dự hiện diện của những người đứng ra làm chứng khác nhau chứ không phải cần thiết có nghĩa là một đám đông người.

Thời kỳ năng động nhất của các cuộc hiện ra đã chấm dứt với năm 1983. Mọi sự được nói đến hay được thực hiện sau ngày ấy tại Kibeho không mang lại điều gì mới mẻ đối với những gì đã được biết, từ quan điểm các sứ điệp và các dấu lạ khả tín. Điều ấy cũng hợp lệ đối với Alphonsine là người đã tiếp tục lôi cuốn nhiều người cho đến lúc kết thúc các cuộc hiện ra với cô.

Hai năm đầu tiên các cuộc hiện ra tại Kibeho:

4. Hai năm đầu tiên các cuộc hiện ra tại Kibeho (năm 1982 và 1983) đã hình thành nên một thời kỳ quyết định cho bất kỳ những ai ao ước được biết đến những gì đã xảy ra và những tạo nên một luồng dư luận. Trong thực tế, các sự kiện có ý nghĩa đã được sản sinh ra trong hai năm này. Các sự kiện đã khiến cho Kibeho được người ta biết đến và tạo ra các đoàn người với số đông lũ lượt kéo về đây. Theo lệ thường, trong thời kỳ ấy, các thành phần cơ bản của sứ điệp của Kibeho được truyền đạt, được tóm tắt và chấm dứt các cuộc hiện ra cho phần lớn các thị nhân đầu tiên.

5. Trong trường hợp của ba thị nhân được nêu danh như ở phần trên, là những người nổi danh ngay thời kỳ đầu tại Kibeho, không có điều gì họ nói hay làm trong thời gian các cuộc hiện ra trái ngược lại với đức tin và luân lý Công Giáo. Các sứ điệp của họ đều đúng với Thánh Kinh và Truyền Thống muôn thuở của Giáo Hội.

Các cuộc hiện ra, được cho là Chúa Giêsu đã hiện ra, được báo cáo tại Kibeho bắt đầu vào tháng Bảy năm 1982, đều không được đưa vào nghị trình trong Bản Tuyên Bố này vì nhiều lý do khác nhau, trước hết bởi vì những người được cho là thị kiến Chúa Giêsu được biết đến đối với những người hành hương đến Kibeho, đã bộc lộ các trạng thái bất an của cá nhân. Thay vì quan tâm chú ý đến các thị kiến đầu tiên về Đức Trinh Nữ Maria, “không có một sự phản đối kiên quyết được đưa ra một cách chính xác để chống lại các cuộc hiện ra; các luận cứ có lợi cho các đặc tính siêu nhiên của họ tỏ hiện ra rất nghiêm túc và trải qua nhiều năm chỉ khiến họ trở nên sâu sắc hơn.”

Lợi ích của các cuộc hiện ra đối với việc áp dụng Kinh Thánh vào các biến cố hiện hành

“Sự công nhận hoặc phủ định tính chất xác thực của một cuộc hiện ra không có gì bảo đảm là không thể sai lầm được; nó được căn cứ vào các chứng cứ về khả năng có thể xảy ra hơn là căn cứ trên các cuộc tranh luận cụ thể.” Trong tầm ảnh hưởng của các cuộc hiện ra, sau này không có sự chắc chắn tuyệt đối nào đối với các người đứng ra làm chứng, có lẽ ngoại trừ các thị nhân. Phán quyết dứt khoát về các cuộc hiện ra tại Kibeho nên được làm sáng tỏ theo tinh thần ấy. Sự công nhận các cuộc hiện ra ấy phải được coi là một nhu cầu đức tin. Tuy nhiên, mỗi Kitô Hữu được tự do tin hay không tin.

“Một cuộc hiện ra được công nhận, sẽ làm mạnh thêm đời sống đức tin và đời sống cầu nguyện, chắc chắn là một sự trợ giúp đầy quyền năng cho các vị Mục Tử, nhưng sứ điệp gắn liền với cuộc hiện ra ấy không phải là một sự mặc khải điều gì mới; đúng hơn là một cách để nhớ lại các giáo huấn thông thường của Giáo Hội mà người ta đã quên lãng.”

III. Các hướng dẫn mục vụ: Linh địa Đức Mẹ Sầu Bi và Sự tôn kính ở nơi công cộng:

Phần thứ ba của Bản Tuyên Bố (từ trang 20 đến trang 23), tập hợp các hướng dẫn mục vụ đã chỉ ra cho các tín hữu đường hướng đạo đức để tuân theo trong văn bản này, nhất là đối với tất cả những ai quan tâm đến việc thực hành tôn kính Đức Mẹ ở nơi công cộng được gắn liền với các cuộc hiện ra ở Kibeho đã được chính thức công nhận. Những điều hướng dẫn thiết thực này nhắc lại phần lớn những điều mà Đức Giám Mục Jean Baptiste Gahamanyi đã nêu lên một cách chính xác trong ba Thư Mục Vụ nổi tiếng của Ngài về các sự kiện tại Kibeho. Đức Giám Mục địa phận Gikongoro đã bổ xung thêm những điều khác nữa, những điều được nhận định là thích hợp trong hoàn cảnh hiện tại.

Thánh Đường Đức Mẹ ở Kibeho được đặt tên là “Đền Thánh Đức Mẹ Sầu Bi”, theo quyết định của Đức Giám Mục trong buổi lễ đặt viên đá đầu tiên vào ngày 28-11-1992, và được nhắc lại trong thông điệp của Ngài vào ngày 15-09-1996 cùng với sự giải thích đầy đủ hơn.

“Để Kibeho trở thành một chốn hành hương và gặp gỡ cho tất cả những ai đang tim kiếm Chúa Kitô và những ai đến đây để cầu nguyện; là một trung tâm chủ yếu để hoán cải, để chuẩn bị cho các tội nhân nơi thế gian và để hòa giải; là một điểm gặp gỡ cho ‘tất cả những ai bị ly tán’, cũng như cho những ai khao khát các giá trị của lòng trắc ẩn và tình huynh đệ không biên giới; là một trung tâm chủ yếu nhắc nhở Tin Mừng Thập Giá” (trích từ Bản Tuyên Bố).

Bản Tuyên Bố, trình bày khúc chiết một phán quyết dứt khóat về các cuộc hiện ra tại Kibeho, đã làm sáng tỏ một tình trạng trước đấy còn mơ hồ đối với nhiều tín hữu trong một thời gian dài, và đối với luồng dư luận công khai, không những ở Kibeho mà còn trên toàn đất nước. “Trong rất nhiều các hoạt động kỷ niệm Năm Đại Toàn Xá 2000 và kỷ niệm 100 năm truyền giáo tại Rwanda, Bản Tuyên Bố này tạo ra cái khả năng đáp ứng cho lòng mong đợi của Cộng Đoàn Dân Chúa và đem lại lòng nhiệt tình cho lòng sùng kính công khai trong 13 năm qua được công nhận.”

Văn bản đầy đủ đã được in ấn tại Kinyarwanda và tại Pháp, được lưu hành tại văn phòng các cơ quan thuộc giáo phận Gikongoro.

                                              Gikongoro, ngày 29 tháng 06 năm 2001
                                                         (Nguồn: thanhlinh.net)

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

PHỤNG VỤ »»

KT - GIÁO LÝ »»

BÀI GIẢNG »»

SUY NIỆM »»

ĐỨC MẸ MARIA »»

CÁC THÁNH »»

GIÁO HỘI HOÀN CẦU »»

GIÁO HỘI VIỆT NAM »»

TRONG CÁC NHÂN ĐỨC, ĐỨC MẾN LÀ CAO TRỌNG HƠN CẢ

Giảng Lễ