. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

Đức Thánh Cha: Đức tin không đem lại hành động cụ thể thì không phải là đức tin


ĐỨC THÁNH CHA: ĐỨC TIN KHÔNG ĐEM LẠI HÀNH ĐỘNG CỤ THỂ THÌ KHÔNG PHẢI LÀ ĐỨC TIN

              
             "Một đức tin không sinh hoa kết quả nơi các hành động thì không phải là đức tin." Đây là lời khẳng định của Đức Thánh Cha Phanxicô hôm thứ Sáu 21 tháng Hai tại nhà nguyện Santa Marta trong thánh lễ đồng tế với các vị Hồng Y đang tham dự Công Nghị Hồng Y Ngoại Thường. Ý chỉ trong thánh lễ này là mừng sinh nhật thứ 90 của Đức Hồng Y Silvano Piovanelli, Tổng Giám Mục Hiệu Tòa Florence. Đức Thánh Cha đã cảm ơn Đức Hồng Y Piovanelli vì "công việc của ngài, chứng tá và lòng nhân hậu của ngài."
              
             Thế giới này đầy dẫy các Kitô hữu đọc thuộc lòng Kinh Tin Kính, nhưng rất ít khi đưa những lời kinh này vào thực hành - và cũng có các học giả uyên bác giản lược thần học vào một loạt những lý thuyết gọn gàng ngăn nắp, trong khi loại bỏ triệt để bất kỳ ảnh hưởng nào của thần học trên cuộc sống thực. Đó là mối nguy hiểm mà Thánh Giacôbê lo sợ từ cả hai ngàn năm trước, và đó cũng là chủ đề mà Đức Thánh Cha Phanxicô muốn đưa ra với các tín hữu sau đọc bài đọc trích từ thư Thánh Giacôbê trong đó có những đoạn như: “Thưa anh em, ai bảo rằng mình có đức tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích lợi gì? ...Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết...Anh em thấy đó, nhờ hành động mà con người được nên công chính, chứ không phải chỉ nhờ đức tin mà thôi.”
              
             Đức Thánh Cha nói:
              
             "Chúng ta cũng phạm sai lầm khi nói: ‘Nhưng tôi có rất nhiều niềm tin, và tôi tin tất cả mọi thứ, tất cả mọi thứ - nhưng người nói như thế lại có một cuộc sống thờ ơ, yếu ớt. Đức tin của người ấy là một thứ lý thuyết, không sống động trong cuộc đời. Thánh Tông Đồ Giacôbê khi nói về đức tin, đã nói chính xác về đạo lý, về những gì hình thành nội dung của đức tin. Một người dù có thể thuộc tất cả các điều răn, tất cả những lời tiên tri, tất cả các chân lý đức tin, nhưng nếu không đưa vào thực hành, thể hiện nơi hành động cụ thể thì chỉ là vô ích. Về mặt lý thuyết, chúng ta có thể đọc Kinh Tin Kính, thậm chí ngay cả khi không có đức tin, và có rất nhiều người làm như vậy - ngay cả ma quỷ. Ma quỷ biết rất rõ những gì được đề cập trong Kinh Tin Kính và chúng biết đó là sự thật."
              
          Những lời của Đức Thánh Cha vang vọng khẳng định của Thánh Giacôbê: "Anh chị em tin có một Thiên Chúa duy nhất phải không? Đúng lắm. Ma quỷ cũng tin, và run sợ".
           
          Đức Thánh Cha nói thêm rằng sự khác biệt là ma quỷ không có “đức tin đích thực”, chúng chỉ có “kiến thức”. Đức tin chân thực có nghĩa là đón nhận thông điệp của Thiên Chúa từ Chúa Kitô.
           
          Đức Thánh Cha nói tiếp là Tin Mừng đã đề cập đến hai dấu chỉ rõ rệt của những người “biết điều gì đáng tin, nhưng lại không có đức tin” Dấu hiệu đầu tiên là xu hướng “luật sĩ” đại diện bởi những người hỏi Chúa Giêsu có nên nộp thuế cho Cêsarê hay không, và những kẻ thắc mắc về câu chuyện người phụ nữ góa chồng đã lần lượt kết hôn với bảy anh em. Dấu chỉ thứ hai là xem đức tin như một thứ “ý thức hệ”. Đó là những Kitô hữu xem đức tin như một hệ thống các ý tưởng có tính lý thuyết. Ngay vào thời của Chúa Giêsu cũng có những kẻ như thế. Thánh Tông Đồ Gioan nói họ là những phản Kitô, những kẻ uốn nắn đức tin theo những dấu ấn ý thức hệ mà họ đã từng theo đuổi. Vào thời điểm đó, có những kẻ theo phái Ngộ Đạo, nhưng sẽ luôn có và có rất nhiều những Kitô hữu rơi vào nhóm “luật sĩ” hay nhóm ý thức hệ, là những kẻ biết đến đạo lý Kitô, nhưng không có đức tin, y hệt như ma quỷ. Cái khác biệt là ma quỷ còn biết run sợ chứ các Kitô hữu này thì không, họ cứ tỉnh bơ sống an nhiên tự tại.
           
          Đức Thánh Cha đã nhắc nhớ đến những ví dụ trong các sách Tin Mừng về "những người không biết đạo lý, nhưng có rất nhiều niềm tin." Ngài đề cập đến câu chuyện của người phụ nữ xứ Canaan, đã làm Chúa xúc động trước đức tin của bà và Ngài đã chữa lành cho đứa con gái bị quỷ ám của bà; và người phụ nữ Samaria là người mở lòng ra bởi vì, "cô ấy đã không gặp gỡ với những chân lý trừu tượng", nhưng chính là gặp gỡ "Chúa Giêsu Kitô. " Sau đó, là người mù được Chúa Giêsu chữa lành đã phải đối diện với sự thẩm vấn dai dẳng của những người Biệt Phái và các luật sĩ cho đến khi ông quỳ xuống với sự khiêm nhường và tôn vinh người đã chữa lành cho ông. Ba người này cho thấy đức tin và chứng tá là không thể tách rời.
           
          Đức tin là một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô, với Thiên Chúa, từ đó đức tin được sinh ra, và từ đó đưa ta đến với chứng tá. Đó chính là những gì thánh Tông Đồ Giacôbê muốn nói Đức tin không có hành động, một đức tin không lôi cuốn toàn con người ta, thì không phải là đức tin. Đó là những từ ngữ - và chỉ là những từ ngữ.
                                                                                                                                                                                                                                                ( Nguồn: VietCatholic.net)
                                                                                                                                                                         
                                                                                                                                                                              Đặng Tự Do 2/21/2014

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

PHỤNG VỤ »»

KT - GIÁO LÝ »»

BÀI GIẢNG »»

SUY NIỆM »»

ĐỨC MẸ MARIA »»

CÁC THÁNH »»

GIÁO HỘI HOÀN CẦU »»

GIÁO HỘI VIỆT NAM »»

TRONG CÁC NHÂN ĐỨC, ĐỨC MẾN LÀ CAO TRỌNG HƠN CẢ

Giảng Lễ