TIỀN LÀ... "BẠC"
Tiền đi vào sự ác, tạo bất công, oán thù, tranh đoạt bất minh… Đó là đồng TIỀN “BẠC”, dẫn đến khổ đau, do lòng không chân chánh.
Ai ở đời cũng muốn hạnh phúc và sợ khổ đau, người ta tìm kiếm cả đời để được hạnh phúc, con nguời tích trử nhiều tiền bạc, của cải, danh vọng, kiến thức, tình cảm… để hy vọng một đời hạnh phúc. Người đời có lúc đã nói về:
‘‘Tiền là tiên là phật,
Là sức bật lò xo,
Là thước đo lòng người,
Là nụ cười tuổi trẻ,
Là sức khỏe tuổi già,
Là cái đà danh vọng,
Là cái lọng che thân,
Là cán cân công lý,
Tiền vô thì hết ý. ”
Nghe thì thấy có vẻ buồn cười, nhưng có phần rất thật. Người xưa cũng từng có câu: “Còn tiền còn bạc còn đệ tử – hết com hết gạo hết ông tôi”. Xưa nay ai cũng biết tiền có sức mạnh dữ dội, cuốn hút mê đắm lòng người, thay trắng đổi đen, mua gì cũng được.
Để được các điều: tiền bạc, của cải, danh vọng, kiến thức, tình cảm… con người đã lao vào tranh đoạt, bất chấp hiểm nguy, ràng buộc, khó nhọc thâu đêm suốt sáng, nỗ lực không ngừng nghĩ. Đôi lúc phải dùng đến thủ đoạn trá hình, gian ác, tàn độc, giết hại, lừa dối, cướp bóc… không gì là không làm, để giành được càng nhiều càng tốt tiền, tình, danh, quyền lực, và của cải. Với bằng nhiều từ hoa mỹ, hình thức tốt lành, để che giấu những thủ đoạn mà mình hành xử, nhưng chẳng qua cũng chỉ là bảo đảm cho thân mạng một đời được hạnh phúc. Cứ lặng yên với cuộc đời mình, cứ tự hỏi thật nó có là nguồn đem lại hạnh phúc không? Nếu nó thật có, tôi khuyên bạn nên đi tìm nó thật manh liệt. Bạn sẽ hiểu sự chân thật về các điều ấy. Bạn cầm giữ, theo đuổi hay không là do bạn. Người ta chỉ theo và từ bỏ một điều gì, khi người ta biết chân thật về nó. Cái thuộc về thế gian, hay cái thuộc về sắc tướng, hoặc cái hay hư mất đổi thay… chắc chắn là cái không đem lại hạnh phúc chân thật. Khi mình cố giữ thường làm khổ đau thêm.
Cũng nơi khác có một bài thơ khá đặc biệt với tiền:
Độc ác chi mi lắm rứa tiền,
Mi làm nhân loại hóa ra điên,
Mi tô mặt nạ đen thành trắng,
Mi khiến nhân tình thẳng hóa xiên,
Mi đạp luân thường vô một xó,
Mi xua nhân nghĩa dẹp đôi bên
Mi lùa thế giới đâm nhau mãi,
Ác nghiệt chi mi lắm rứa tiền.
Nhưng rồi hạnh phúc có khi cũng có, khi nhiều khi ít, thay đi đổi lại, cho đến ngày càng lúc càng xa như mây khói bay vào hư không. Nơi ánh mắt của con người ngày nay, trong sâu thẳm ấy, ít khi người viết gặp được ánh mắt của sự vui mừng sâu thẳm, mà thường là một nỗi niềm buồn thương ẩn khuất không thốt nên thành lời.
Người ta nói: “Tiền bạc có thể tạo lập món ăn ngon, nhưng không mua được sự ngon miệng – tiền bạc có thể tạo dựng được phòng ngủ sang trọng, nhưng không mua được giấc ngủ – ngon tiền bạc có thể xây được căn nhà lộng lẫy, nhưng chưa chắc đã tạo được mái ấm hạnh phúc”. Cũng vậy, danh vọng cao tột chi hẳn đã tạo được sự kính trọng chân thành, chưa chắc có được an lành hạnh phúc mà còn gian nan khổ cực khôn xiết. Cuối cùng rất nhiều người thấy khi họ đã nhiều tiền và danh vọng, họ cải nhận hạnh phúc vẫn là một cảm nhận còn mờ và xa xăm.
Người viết có một người bạn, anh ta là một nhà khoa học, hiền lành, có lòng đạo đức rất tốt, là một người giàu có mà đang lâm nạn mất hết tiền của. Trong lúc này, tất cả người quen biết có khả năng giúp thì anh ta lại không tìm đâu ra. Anh ta tình cờ gặp tôi và nhận sự giúp đỡ qua ngày, tôi cũng giúp anh chút ít. Từ đó nảy sinh một tình bạn dần dần, anh ta khen tôi là người tốt, rất ít người ngày nay như thế. Tôi nghĩ chắc là đúng và tiếp tục giúp đỡ anh.
Sau một thời gian, anh ta có nhiều công việc làm ăn, hy vọng sẽ mang lại rất nhiều lợi nhuận to lớn, anh ta xin tôi giúp và hứa trả ơn thật là nhiều, để chuẩn bị đón nhận thành công công việc. Tôi nghĩ giúp về sau hy vọng có lợi nhiều nên tôi giúp càng lúc càng lớn hơn. Thành công thì chưa đến, hy vọng thì xa xôi, đời không biết đâu mà lần.
Giả như mọi chuyện thất bại, tôi sẽ nghĩ anh ta đã lừa dối tôi, tôi đã bị thua mưu của một người khác lợi dụng lòng tốt của mình. Cái nghĩ này là thói thường của người đời.
Nhưng có một ngày kia, tôi lại nghĩ khác, do tình thương của mình không phải là vô vị lợi, mà thật ra là một âm mưu toan tính kiếm nhiều tiền, trục lợi khi người ta đang trong cơn nạn tai. Anh ấy nói tôi là người tốt thật ra là lầm người, tôi đang buôn tiền trần thế, mà buôn gặp lỗ còn trách oán người khác, thì là hạng gian chứ thánh thiện đạo đức gì đâu? Điều này tự tâm mình biết rất rõ. Tôi vội sám hối ăn năn, nhận biết mình còn đầy tham danh cầu lợi, nhận biết lòng tham quả thật tinh tế và rất khó phát hiện. Sau khi biết được điều ấy, dù tiền có mất và không được gì, tôi vẫn nghĩ đó là phần mình được hưởng, qua sự việc ấy đa rõ thấy sự xấu xa còn ẩn nấp nơi con người mình thật ghê gớm. Người bạn đã giúp mình cơ hội tự phát hiện một tâm tư mờ ám. Quả thật tiền bạc là mồi của tội lỗi, rất khó chế ngự được lòng tham tiền, khi thấy ai còn vương trong sự tiền tham, thì nên thương mà không đoạn trừ. Đây cũng chính là tâm thức tình thương vậy, sự thiện này giúp vượt thắng nhiều hơn lòng tham tiền ẩn khuất trong tâm tư.
Người viết có dịp đi nhiều nơi, từ thôn quê cho đến thành thị, một bộ phận người nghèo cho đến người giàu sang quyền quý, người trí thức và người ít học, người tu và người chưa tu, người khỏe và người bệnh… hình như ai cũng lo kiếm tiền, tích lũy tiền, hình như càng nhiều càng tốt. Lắm người khổ khi không có tiền. Người viết gặp được một ít người, họ sống rất hạnh phúc mà không hề cần nhiều tiền bạc. Họ sống an nhàn, thanh thảnh vui cả ngày, ngủ không đóng cửa, đi chẳng khóa, nhà ai vào cũng được… trên khuôn mặt đầy ắp sự an lạc, nhà cửa đầy thơ văn… không tiền mà vui là điều có thật. Hình như họ hạnh phúc hơn bất cứ người nào có nhiều tiền, mà người viết có duyên được gặp?…
Ít người thấy, tiền là mồi của trộm cướp, tiền là của gây ghen ghét và bất hòa, tiền là nguồn của sa đọa nhất là xuất phát bất minh, tiền làm cho lòng tham nổi không điểm dừng, mà tham là nguồn của sự ác. Nhiều gia đình khi còn nghèo, chưa bán đất thì hòa thuận, tự nhiên đất lên giá, tiền nhiều đã gây mâu thuẫn dẫn đến ly tan. Nhiều vợ chồng khi còn nghèo thì hạnh phúc, khi có tiền dẫn đến chia lìa. Nói đến tiền kể không hết sự bi thảm, không biết bao nhiêu tội ác cũng do đầu mối là tham tiền.
Nhưng tiền lại là vật bất ly thân, là nhu cầu để nuôi dưỡng xác thân, là nguồn để bảo vệ sự êm ấm gia đình, làm tôn giá trị con người, là phương tiện cứu người lâm nguy. Đúng là tiền có hai mặt, xin nhớ điều này: đồng tiền có hai mặt, làm sao để tiền đừng đi vào sự ác, làm việc lành, cứu người lâm nạn, hóa giải sự thiếu thốn… Đó là tiền chân, nhờ ý chân và lòng chân.
Tiền đi vào sự ác, tạo bất công, oán thù, tranh đoạt bất minh… Đó là đồng TIỀN “BẠC”, dẫn đến khổ đau, do lòng không chân chánh. Tạo lập được lòng chân khi có tiền còn khó gấp vạn lần làm ra tiền của, nếu có tiền mà không có lòng chân chánh thì thà đừng có còn hơn.
Tiền có chắc mang lại hạnh phúc chân thật không? Thưa có! Nhưng vẫn hay thay đổi. Vì tiền không là thực tại đứng yên mà là chuyển đổi, ai tựa vào nó để xây đời hạnh phúc thì có thật, nhưng sự thật nầy là sự thật chuyển xoay. Không có gì chắc chắn? Bậc Hiền Nhân không thấy ai dùng nó để kiếm tìm giải thoát? Con đường họ đi thường không có đụng đến tiền bạc, nếu dùng thường rất ít, thanh bần, trong sạch…
Có một vị thầy hỏi học trò của mình, làm sao để có hạnh phúc?
Nhiều em trả lời để có hạnh phúc thì phải có nhiều tiền, lên chức, nhiều người quý trọng mình, tiện nghi sang trọng, gia đình hạnh phúc, mạnh khỏe, công việc làm ăn tốt đẹp… bao nhiêu câu trả lời, vị thầy ấy chỉ cuời mà không gật đầu. Cuối cùng mọi nguời im lặng chờ thầy giải thích.
Tất cả những điều các em nói là mơ ước của nhiều người, những điều ấy có được quả thật là đem lại nhiều hạnh phúc cho con người, nhưng mấy ai đều có được, hơn thế nữa cái giàu của người này tất nhiên là cái nghèo của nguời khác, làm sao ai cũng giàu được? Cái lên chức của người này tất nhiên là cái xuống chức của người khác. Công việc làm ăn thường cũng vậy, thành công là do tranh được của người khác, nhất là đồng nghề. Cuối cùng bằng một phong cách trầm tư sâu lắng, như chờ cho học trò lặng im nội tâm, thầy chậm rãi nói: hạnh phúc thật giản đơn, khi mọi lỗ đều thông (*). Thầy trò cùng im lặng, họ cười với nhau, à té ra là thế!…
“Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, nơi kẻ trộm khoét vách và lấy đi. Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, nơi trộm cắp không đào ngạch và lấy đi được. Vì kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó. (Mt 6,19-21)
(Lược trích từ sách “Thanh tịnh tâm” của tác giả Thường Nhân)
(*) Xin mạo muội giải thích câu nói của tác giả khi cho rằng : “Hạnh phúc thật đơn giản.. là khi mọi lỗ đều thông”.
Hạnh phúc là điều tự mỗi người cảm nhận từ trong tâm hồn. Chắc hẳn nói “lỗ thông” ở đây là ý nói tâm hồn không mắc kẹt hay vướng ở một quyến luyến nào cả, con người tự do là con người hạnh phúc. Tự do với tiền bạc, của cải, danh vọng, chức quyền, ngay cả với những điều mình cho là tốt như: bố thí, ăn chay, cầu nguyện… Tất cả những điều đó là phương tiện chứ không phải cùng đích. Khi nào mình đưa phương tiện thành cùng đích chắc chắn là “không thông” chút nào ! “Tiền bạc… có thể là một đầy tớ tốt nhưng lại là ông chủ tồi tệ” là như vậy. (Lửa Mới)
..
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét