. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

Đức Maria và Bí Tích Thánh Thể

ĐỨC MARIA VÀ BÍ TÍCH THÁNH THỂ
            
Dưới chân thập giá, Chúa Giêsu đã trao phó thân mẫu Người cho Giáo Hội, đại diện là  người môn đệ yêu dấu (“này là Mẹ con”) và đồng thời, Người đã trao phó Giáo Hội cho Đức Maria (“Này bà, đây là con bà” –  Ga 19, 26-27). Được tràn đầy ân sủng, Đức Maria không hề giữ lấy cho riêng mình mối liên hệ đặc quyền nào với Chúa Giêsu, thậm chí Mẹ không hề thể hiện một biểu hiện nhỏ nào, dù là nhỏ nhất, của sự chiếm hữu. Trái lại, Mẹ hằng mong mỏi muốn chia sẻ với toàn thể Giáo Hội ân sủng đầy tràn của Mẹ và đặc biệt, mối liên hệ của Mẹ với con Mẹ. Ở đây, dựa vào thông điệp Ecclesia de Eucharistia (Giáo Hội Sống Nhờ Thánh Thể) của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, chúng ta sẽ học nơi Mẹ để biết thế nào là kết hợp với Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể.
 Thiên Chúa không ép buộc Đức Maria phải làm Mẹ  của Con của Người; nhưng Người chờ đợi sự ưng thuận tự do của Mẹ cho cuộc nhập thể. Cũng tương tự như thế, Chúa Giêsu Thánh Thể không tự ý ngự vào thân thể và tâm hồn ta. Người chỉ ngự vào lòng ta khi ta khao khát mời Người đến và biến đổi ta. “Có một sự tương đồng sâu sắc giữa tiếng FIAT (xin vâng) của Mẹ Maria khi ngài đáp lời thiên sứ với tiếng AMEN mà mọi tín hữu đáp lại khi lãnh nhận Mình Thánh Chúa .” (Ecclesia de Eucharistia, 55).
      Chỉ khi Mẹ Maria cất lên lời “xin vâng”, cuộc nhập thể của Thiên Chúa vào nhân loại và vào lịch sử mới bắt đầu. Như một sự mở rộng tiếng xin vâng của Mẹ Maria, chúng ta hãy khao khát và cầu xin Chúa Kitô ngự vào tận đáy lòng ta qua bí tích Thánh Thể. Tuy nhiên, Chúa Giêsu không có ý định chỉ cư ngụ ở trong ta mà thôi nhưng, hiểu theo nghĩa loại suy, Người còn muốn được sinh ra trong ta và từ nơi ta nữa. Bằng việc cư ngụ, chúng ta biết rằng Chúa Giêsu đang hiện diện, mà thực tế là hiện diện một cách sống động trong ta. Tuy nhiên, hình ảnh Chúa Giêsu sinh ra trong ta ngụ ý muốn nói rằng Chúa Giêsu làm nên thân thể của Người theo khuôn mẫu thân thể của ta. Nghĩa là lời nói của ta, cái nhìn của ta, nụ cười của ta, nước mắt của ta, một cách nào đó biểu lộ lời nói của Người, cái nhìn của Người, nụ cười của Người, nước mắt của Người.
      Ngay sau khi mang thai Chúa Giêsu, Mẹ Maria đã vội vã  lên đường đi thăm bà chị họ Ê-li-sa-bét. Khi chúng ta mang Mình Thánh cho người bệnh, chúng ta có  thể nghĩ đến việc Mẹ Maria đã cưu mang Chúa Giêsu trong bụng ra sao khi vượt qua những vùng đồi núi xứ Giu-đê-a. Có lẽ Mẹ không thể nói lên bằng lời cái cảm nghiệm của Mẹ, nhưng chắc chắn, một cách trực giác, mẹ biết rằng Mẹ đang cưu mang chính Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa và là Đấng Cứu Độ của Mẹ. Có thể Mẹ rất lấy làm kinh ngạc về sự khiêm nhường của Thiên Chúa, một Thiên Chúa đã trao HAGION, Mầu Nhiệm Thánh của chính Bản Thể Người, cho Mẹ. Khi ta mang Mình Thánh Chúa trong người, thậm chí ta có thể nghĩ đến một sự khiêm nhường lớn lao hơn, đó là Chúa Kitô đã trở nên thật nhỏ bé vì chúng ta và hoàn toàn phó thác chính mình trong bàn tay ta. Để rồi sau đó chúng ta có quyền hoặc mang Người đến cho bất cứ ai ta muốn, hoặc từ chối mang Người đến cho ai đó; chúng ta có thể tôn thờ hoặc lăng mạ Người (Đương nhiên, chúng ta không thể làm hại Người dưới những dấu chỉ bí tích, nhưng chắc chắn chúng ta có thể đoạn tuyệt và báng bổ Người).
      Như Mẹ Maria đã đến viếng thăm và  chào bà Ê-li-sa-bét, chúng ta cũng phải loan báo Tin Mừng. Chúng ta không chỉ mang trong mình một thông điệp, một giáo huấn, một nhân sinh quan, một tư tưởng, nhưng hơn thế, chúng ta mang chính Chúa Kitô, Đấng đã chịu đóng đinh, chịu chết và đang hiện diện ở giữa chúng ta ngày hôm nay. Dĩ nhiên, việc loan báo Lời phải đi trước Bí tích Thánh Thể, tuy nhiên chỉ nhờ Bí Tích Thánh Thể tiến trình Phúc Âm hóa mới được hoàn thành. Như bà Ê-li-sa-bét đã ôm lấy Chúa Giêsu qua Mẹ Maria, người ta cũng sẽ chấp nhận Chúa Giêsu qua chứng tá của chúng ta về bí tích Thánh Thể.
      Mẹ Maria, khi ngắm nhìn “quả phúc bởi lòng Mẹ”, chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu mới sinh là chính con Mẹ, là thịt bởi thịt Mẹ, mắt bởi mắt Mẹ  thì cũng đồng thời tôn thờ Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa và Cứu Độ của Mẹ.
      Khi chúng ta lãnh nhận Chúa Kitô trong Thánh Lễ  hay khi chúng ta viếng Thánh Thể, chúng ta hãy xin Mẹ Maria cho chúng được chia sẻ tình yêu và sự ngạc nhiên của Mẹ. Con Thiên Chúa đã trở nên nhỏ bé và tầm thường vì chúng ta bao nhiêu – chỉ một tấm bánh nhỏ và vài giọt rượu nho rất dễ bị coi thường và vứt bỏ – thì tình yêu và lòng tôn kính của chúng ta với Người càng phải lớn bấy nhiêu. Chúa Giêsu ở lại trong tâm hồn ta không còn với sự hiện diện thể lý đầy đủ như trong Bí Tích Thánh Thể, nhưng Người ở lại trong ta qua quyền năng biến đổi của Người. Trong cả những khi công việc căng thẳng lẫn những lúc vui chơi giải trí, chúng ta nên thi thoảng trở về với tâm hồn của mình, nơi Chúa các chúa và trung tâm của vũ trụ đang hoạt động trong ta. Chúng ta hãy để cho Mẹ Maria dạy chúng ta suy đi nghĩ lại và chiêm niệm những lời của Chúa Giêsu, ngõ hầu chúng ta ngày càng thấm nhuần mầu nhiệm của Người.
      Khi Mẹ Maria dâng con mình cho Thiên Chúa trong Đền thờ, ông Si-mê-on đã nói tiên tri rằng, con Mẹ  sẽ nên dấu hiệu cho người đời chống báng và  một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Mẹ. Như thế, con trẻ Giêsu được hiến dâng trong Đền thờ tượng trưng cho của lễ hy sinh. Hoàn toàn trinh trắng và đầy tràn ân sủng, Mẹ Maria hiểu rõ hơn ai hết trong chúng ta sự mâu thuẫn và xung đột giữa Chúa Giêsu và thế gian, đang nằm dưới ách thống trị của ma quỉ. Chỉ mình Mẹ là người đồng cảm và “đồng chịu đau khổ” với con Mẹ, bởi trên thế gian này chỉ mình Mẹ hiểu được sự dữ bởi tội lỗi của chúng ta đã làm cho con Mẹ đau khổ thế nào và Con Mẹ vẫn yêu thương chúng ta, những kẻ tội lỗi, đến cùng ra sao. Mẹ biết Chúa Giêsu đã tận tâm thờ lạy, tôn vinh và hòa giải với Chúa Cha thay cho chúng ta và vì chúng ta ra sao. Chính vì vậy, trong Đền Thờ và sau này ở dưới chân thập giá, chỉ mình Mẹ mới có thể dâng con Mẹ cho Chúa Cha với một “trái tim thấu hiểu”. Nơi bí tích Thánh Thể chúng ta hãy xin Mẹ Maria dạy chúng ta nhận biết thánh tâm Chúa Giêsu và nhận ra rằng, chúng ta có một kho tàng thật vô tận ở giữa chúng ta khi, nhờ của lễ hiến dâng là Chúa Giêsu, chúng ta chia sẻ sự tự hiến một lần cho tất cả của Chúa Giêsu.
      Khi Mẹ Maria ở giữa các môn đệ đang chuyên cần cầu nguyện và chờ đợi được ban Thánh Thần, chắc chắn Mẹ cũng tham dự Tiệc Thánh Thể mà các Tông Đồ cử hành, ít nhất là  sau Lễ Ngũ Tuần:
      “Làm sao cảm nghiệm được những tâm tình của Mẹ Maria khi Mẹ nghe từ miệng thánh Phê-rô, Gio-an, Gia-cô-bê và các Tông Đồ khác những lời đã được cất lên trong bữa Tiệc Ly: “Này là mình thầy bị hiến tế vì anh em [Lc 22,19]”? Thân thể bị hiến tế vì chúng ta và hiện diện dưới những dấu chỉ của bí tích cũng là chính thân thể mà Mẹ đã cưu mang trong lòng! Đối với Mẹ Maria, lãnh nhận bí tích Thánh Thể, dù thế nào đi chăng nữa thì đó là một lần nữa đón nhận vào trong lòng trái tim đã đập cùng một nhịp với trái tim Mẹ và sống lại những gì Mẹ đã cảm nghiệm khi ở dưới chân thập giá.” (Ecclesia de Eucharistia, 56)
      Đón nhận Đức Chúa Phục Sinh trong bí tích Thánh Thể, Mẹ Maria đã đón nhận chính thiên đàng trong linh hồn mình. Quyền năng của Chúa Thánh Thần đã bắt đầu hoạt động trên thế gian này và quyền năng ấy chuẩn bị cho linh hồn và thân xác của Mẹ ngày Lên Trời. Mẹ sẽ cầu nguyện với chúng ta và cho chúng ta hầu thân xác của chúng ta được chữa lành khỏi sự thống trị của những đam mê tội lỗi và được thông phần những nhân đức, sự tốt lành, lòng trắc ẩn, sự nhẫn nại, và lòng khiết tịnh của Mẹ.
                Pax_man
Dịch từ  Rock A. Kereszty, The Wedding Feast of  the Lamb, Appendix 1
                                                           ( Nguồn: Dong Thanh The Viet Nam)


Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

PHỤNG VỤ »»

KT - GIÁO LÝ »»

BÀI GIẢNG »»

SUY NIỆM »»

ĐỨC MẸ MARIA »»

CÁC THÁNH »»

GIÁO HỘI HOÀN CẦU »»

GIÁO HỘI VIỆT NAM »»

TRONG CÁC NHÂN ĐỨC, ĐỨC MẾN LÀ CAO TRỌNG HƠN CẢ

Giảng Lễ