. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời: PHẨM TÍNH CAO TRỌNG CỦA THÂN XÁC



Tín điều Đức Maria hồn xác lên trời được Đức Piô XII long trọng tuyên tín trên ngai toà Phêrô. Không phải đợi đến nửa thế kỷ XX, Mẹ Hội Thánh mới tin nhận điều này nhưng nó đã được sống, và tin nhận từ lâu dù rằng chưa trở thành tín điều buộc phải tin cách chính thức cho toàn thể Hội Thánh. Mẹ Maria được Chúa ân thưởng về trời cả hồn lẫn xác. Cái vấn nạn là ở chữ "xác". Nếu tuyên bố rằng linh hồn Mẹ lên thiên đàng thì đâu có vấn đề và cũng chẳng ai bàn luận làm gì. Ở đây tín điều lại bao hàm cả "thân xác" của Mẹ.







PHẨM TÍNH CAO TRỌNG CỦA THÂN XÁC

(Kh 11,19a; 12,1-6a,10ab / 1 Cr 15, 20-26 / Lc 1,39-56)

Tín điều Đức Maria hồn xác lên trời được Đức Piô XII long trọng tuyên tín trên ngai toà Phêrô. Không phải đợi đến nửa thế kỷ XX, Mẹ Hội Thánh mới tin nhận điều này nhưng nó đã được sống, và tin nhận từ lâu dù rằng chưa trở thành tín điều buộc phải tin cách chính thức cho toàn thể Hội Thánh. Mẹ Maria được Chúa ân thưởng về trời cả hồn lẫn xác. Cái vấn nạn là ở chữ “xác”. Nếu tuyên bố rằng linh hồn Mẹ lên thiên đàng thì đâu có vấn đề và cũng chẳng ai bàn luận làm gì. Ở đây tín điều lại bao hàm cả “thân xác” của Mẹ.

Thân xác nhân loại chúng ta đã từng một thời gian rất dài bị hẩm hiu số phận dưới cái nhìn của nhị nguyên thuyết. Nói đến xác thịt là như nói đến cái gì đó xấu xa phải chê, phải ghét. Nghe đến hai chữ "xác thịt" là ta dễ liên tưởng đến xu hướng “hạ đẳng” luôn kéo ta đi xuống. Một ai đó khi được nhắc nhớ về lỗi lầm đã vấp phạm thì thường dễ biện minh: “Tính xác thịt mà”. Vậy ta phải nhìn thân xác như thế nào đây?

Con người là hữu thể xác hồn duy nhất. Tôi là hồn xác này. Xác hồn liên kết mật thiết không thể tách biệt mặc dù có thể phân biệt. Bất cứ hành vi nào của ta xét như là hành vi nhân linh đều có sự tham gia của hồn lẫn xác. Lập công thì cũng cả xác lẫn hồn và phạm tội cũng cả hồn lẫn xác.

Thân xác là cánh cửa giúp con người giao tiếp với giới tự nhiên, với tha nhân và với cả Thiên Chúa. Để thực thi công trình cứu độ, Ngôi Lời đã mặc lấy xác phàm. Khi đi rao giảng Tin Mừng, Ngài sử dụng thân xác mình để giáng phúc thi ân cho kẻ què đi được, người câm nói được, người mù được thấy, kẻ chết sống lại... Và đỉnh cao của tình yêu mà Đức Kitô tỏ bày cho nhân loại là trao ban chính Máu Thịt của Ngài. Một thân xác trần trụi, chẳng còn hình tượng người ta nữa trên thập giá với Trái Tim bị đâm thâu là dấu chỉ tình yêu đến cùng của Đấng Cứu Độ. Và Hy tế cứu độ được hiện tại hoá trên bàn thờ mỗi ngày chính là Thân Mình Chúa Kitô trong Bí Tích Thánh Thể.

Tôn vinh Mẹ Maria qua mầu nhiệm Mẹ được Chúa ân thưởng về trời cả hồn lẫn xác, chúng ta không chỉ nói lên niềm tin vào tình yêu của Thiên Chúa, không chỉ nói lên tính quy luật của tình yêu là sự trọn vẹn, mà còn khẳng định phẩm tính cao trọng của thân xác do Thiên Chúa tạo dựng. Mọi sự Chúa dựng nên đều tốt đẹp. Đặc biệt cái thân xác con người, một “sản phẩm” mà Thiên Chúa xem ra phải tốn công mất sức nhiều như hình ảnh sách Sáng Thế mô tả: Thiên Chúa phải dùng tay để nặn và thổi hơi vào trong khi mọi thứ thì người chỉ phán một lời (x. St 1-2).

Tín điều Mẹ lên trời cả hồn lẫn xác mời gọi ta xác tín: Mẹ Maria đã cộng tác vào ơn cứu độ bằng trọn cả con người hồn xác. Mẹ đã đón nhận ơn cứu độ bằng cả xác hồn. Và việc Mẹ được ân thưởng cả xác hồn là hệ quả tất yếu.

Tình yêu đòi hỏi sự trọn vẹn và hài hoà cả xác lẫn hồn: Vị Cha chung của Hội Thánh, Đức Bênêđictô XVI nhận định trong Thông điệp Thiên Chúa Là Tình Yêu: “Tình yêu giữa người nam và người nữ, trong đó hồn xác kết hợp bất khả phân ly mở ra cho con người một lời hứa hạnh phúc dường như không cưỡng lại được có lẽ là kiểu mẫu của tình yêu; bên cạnh tình yêu này thoạt nhìn một hình thức khác của tình yêu (phụ nữ, mẫu tử, bằng hữu,...) như mờ nhạt đi” (số 2). Chính vì thế khi yêu là yêu cả con người trọn vẹn.

Xin đừng quá chú trọng việc cứu rỗi linh hồn mà xao lãng các nghĩa cử yêu thương cả về phần xác. Thánh Giacôbê tông đồ trách cứ những người chỉ biết chúc lành cho người nghèo mà không giúp họ chút gì về vật chất để lo cho thân xác họ. “Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày mà anh em lại nói với họ: Hãy đi bình an… nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì?” (Gc 2,15-16 ). Ngược lại xin cũng chớ đề cao quá mức những chăm sóc về phần xác kiểu luận lý: “Có thực mới vực được đạo”.

Trong việc thờ phượng, yêu mến Chúa cũng tương tự. Hãy cẩn trọng với những lối biện minh cực đoan, một chiều như “đạo tại tâm”, “thờ phượng Chúa trong tinh thần và chân lý”. Để tham dự các cử hành Phụng vụ, lãnh nhận các Bí tích, Mẹ Hội Thánh nhắc nhớ chúng ta một trong các điều kiện bình thường đó là sự hiện diện bằng thân xác. Không thể xưng tội qua điện thoại hay tham dự Thánh lễ Chúa nhật qua vô tuyến truyền hình cách thành sự. Và ngược lại, chúng ta không thể không thận trọng trước lời khiển trách của Thiên Chúa với dân Người xưa rằng: dân này thờ kính Ta ngoài môi miệng, còn lòng chúng thì xa Ta.

Cần phải loại bỏ cái nhìn phiến diện và không tích cực về thân xác. Làm sao có thể tồn tại thái độ chê ghét thân xác, các thực hành đạo đức làm tổn hại sức khoẻ... trong khi chúng ta vẫn tuyên xưng: Tôi tin xác loài người ta sẽ sống lại? Phải biết tôn trọng vai trò, vị thế của thân xác. Chúng ta vốn quen với câu ngạn ngữ Latinh: “Một tinh thần tráng kiện trong một thân xác khỏe mạnh”. Hãy biết tận dụng những thế mạnh, những ưu điểm của thân xác chúng ta để yêu thương và phục vụ tha nhân thiết thực và hiệu quả hơn. Hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi chính thân xác chúng ta. Hãy dùng chính thân xác cùng với các khả năng của nó để làm sáng danh Chúa. Biết tận dụng mọi tiến bộ khoa học để có được một thân xác khoẻ, đẹp, duyên dáng ở mức độ có thể, quả là điều nên làm và đáng làm. Dĩ nhiên đó phải là một thân xác được linh động bằng một linh hồn trong sáng, thánh thiện, đầy tràn tình yêu.

Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

PHỤNG VỤ »»

KT - GIÁO LÝ »»

BÀI GIẢNG »»

SUY NIỆM »»

ĐỨC MẸ MARIA »»

CÁC THÁNH »»

GIÁO HỘI HOÀN CẦU »»

GIÁO HỘI VIỆT NAM »»

TRONG CÁC NHÂN ĐỨC, ĐỨC MẾN LÀ CAO TRỌNG HƠN CẢ

Giảng Lễ