. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

Tiếp Kiến Chung Đức Thánh Cha: Đừng Nghĩ Bí Tích Xức Dầu Là Điềm Gở

TIẾP KIẾN CHUNG ĐỨC THÁNH CHA :
ĐỪNG NGHĨ BÍ TÍCH XỨC DẦU LÀ ĐIỂM GỞ

samariVATICAN. Sáng thứ tư, 26.2, Đức Thánh Cha tiếp tục bài giáo lý của mình về các bí tích trong buổi tiếp kiến chung diễn ra tại quảng trường Thánh Phêrô, Vatican. Lần này, ngài chia sẻ về Bí Tích Xức Dầu Bệnh Nhân.
Mở đầu bài chia sẻ, Đức Thánh Cha đã ngỏ lời khen đến tất cả các khách hành hương đông đảo, đang hiện diện trước mặt ngài trong cái lạnh và cơn mưa. Sau đó, Ngài giới thiệu về Bí Tích này như là một bí tích giúp chúng ta “đụng chạm bằng tay đến lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho con người”, đặc biệt là những ai đang lâm bệnh và gánh chịu sự đau khổ cả thể xác lẫn tinh thần.
Lấy hình ảnh từ dụ ngôn người Samaritanô nhân lành trong Tin Mừng Luca (Lc 10,30-35), Đức Thánh Cha chia sẻ rằng “cứ mỗi lần chúng ta cử hành bí tích này, Chúa Giêsu, qua vị linh mục, lại ở kề bên người đang chịu đau khổ, đang bị bệnh nặng hay già yếu.” Sau đó, ngài giải thích ý nghĩa của “dầu” và “rượu” mà Thánh Sử Luca đã nói đến. Ngài chia sẻ:
“Hình ảnh “dầu” làm chúng ta nghĩ đến cái mà Giám Mục đã thánh hóa hàng năm, trong thánh lễ Dầu, sáng Thứ Năm Tuần Thánh,… Rượu là một dấu chỉ của tình yêu và ân sủng của Đức Kitô tuôn chảy từ món quà là chính sự sống của Ngài trao ban cho chúng ta và được diễn tả trong tất cả sự phong phú của nó nơi đời sống bí tích của Giáo Hội.”
Từ hình ảnh người bị thương được trao phó cho chủ một nhà trọ để anh này có thể được tiếp tục săn sóc tốt hơn, Đức Thánh Cha đặt câu hỏi: “Ngày nay, người chủ trọ ấy là ai?” Và ngài trả lời: “Là chính Giáo Hội, là cộng đoàn kitô hữu, tất cả chúng ta, là những người mà hàng ngày Đức Giêsu trao phó những người đang chịu đau khổ về thể xác lẫn tinh thần, để chúng ta có thể tiếp tục trao gửi cho những con người ấy tất cả lòng thương xót và ơn cứu độ của Ngài, mà không có chút tính toán.
Ngài cũng nhắc nhở đến các tín hữu hai điều. Thứ nhất, “Đức Giêsu đã truyền dạy các môn đệ phải có lòng yêu mến dành cho các bệnh nhân và cho những người đang gặp đau khổ; đồng thời ban cho các ông quyền năng và trách nhiệm tiếp tục trao ban nhân danh Người và từ con tim của Người sự giải thoát và bình an, qua ân sủng đặc biệt của bí tích này. Vì thế, điều này không được làm cho chúng ta rơi vào ám ảnh đi tìm một phép lạ và một giả định là sẽ luôn có được sự chữa lành.”
Thứ hai, Bí Tích Xức Dầu là một sự đảm bảo chắc chắc về sự kề cận của Đức Giêsu nơi các bệnh nhân, cũng như nơi những người già. Vì thế, đừng nghĩ đó là một điềm gở, đừng nghĩ rằng việc linh mục đến ban Bí Tích Xức Dầu là dấu chỉ báo trước cái chết sẽ đến sau đó. “Chúng ta cần biết rằng vào khoảng khắc đau đớn và bệnh tật, chúng ta không đơn côi: vị linh mục và những người hiện diện khi cử hành Bí Tích Xức Dầu đại diện cho toàn thể cộng đoàn Kitô hữu, như một thân thể duy nhất, với Đức Giêsu, nối kết quanh người đau chịu đau khổ và gia đình của người ấy, bồi dưỡng thêm đức tin và niềm hy vọng và nâng đỡ họ bằng lời cầu nguyện và sự ấm áp của tình huynh đệ.
Cuối bài chia sẻ, Đức Thánh Cha nhắc lại lần nữa về sự an ủi lớn lao nhất đến từ Bí Tích này là chính sự hiện diện của Chúa Giêsu, đụng chạm đến chúng ta, nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta thuộc về Người và không điều gì – kể cả sự xấu và cái chết – có thể tách chúng ta ra khỏi Người.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
(Nguồn: dongten.net)

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

PHỤNG VỤ »»

KT - GIÁO LÝ »»

BÀI GIẢNG »»

SUY NIỆM »»

ĐỨC MẸ MARIA »»

CÁC THÁNH »»

GIÁO HỘI HOÀN CẦU »»

GIÁO HỘI VIỆT NAM »»

TRONG CÁC NHÂN ĐỨC, ĐỨC MẾN LÀ CAO TRỌNG HƠN CẢ

Giảng Lễ