. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

Phục Sinh, thực tế hay huyền thoại

PHỤC SINH – THỰC TẾ HAY HUYỀN THOẠI?
(LỄ PHỤC SINH – Năm A)
Cho đến tận ngày nay biến cố Phục Sinh vẫn còn là một huyền thoại đối với con người chỉ thích được “thực mục sở thị” (trông thấy nhãn tiền). Không chỉ ở bên ngoài Ki-tô giáo, mà ngay trong Giáo Hội cũng vẫn còn không ít Tôma-thời-đại cứ đòi được “xỏ ngón tay vào lỗ đinh, thọc bàn tay vào cạnh sườn” Đức Giê-su mới chịu tin. Chuyện đó cũng dễ hiểu, vì bản chất con người là thế. Nói về một chuyện cách xa cả 20 thế kỷ, mà cứ đòi được trực diện quan sát thì quả là không tưởng! Đến ngay như người đương thời, nhất là những kẻ ăn cùng mâm, ngồi chung chỗ với Đức Ki-tô, được “thực mục sở thị” mà khi biến cố xảy ra cũng không thiếu những suy nghĩ trái chiều.

Xin thử đặt mình vào thời điểm cách đây hơn 2000 năm, với một nhãn quan của một trong những người-còn-hoài-nghi, để nhìn vào hiện tượng “Giê-su Na-da-ret” qua biến cố Phục Sinh. Trước hết, ngay ở chính quê hương Na-da-ret, chàng thanh niên Giê-su là con ông thợ mộc Giu-se khiêm tốn và bà Maria nội trợ hiền lành, cũng không có tiếng tăm gì, chẳng mấy ai biết đến, thậm chí sau một thời gian dài đi xa trở về, chẳng được ai đón tiếp, đến nỗi chàng phải thốt lên: "Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình và trong gia đình mình mà thôi" (Mt 13, 57), rồi còn nói: "Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu." (Mt 8, 20).

Những lời phát biểu của chàng, nếu không là những câu chuyện dụ ngôn khó hiểu, thì cũng chỉ là những lời tréo cẳng ngỗng, nếu không muốn nói là nghịch thường, phi lý. Chẳng hạn như: “Hãy để người chết chôn người chết” (Lc 9, 60); "Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo. Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa con trai với cha, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng.” (Mt 10, 34-35); “Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em”. (Mt 5, 44); ”Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được” (Mt 10, 39). Đó là chưa kể – nói theo đám kinh sư, luật sĩ Pha-ri-sêu – Người còn nói “phạm thượng” nữa (Lc 5, 21), dám tự xưng mình là Con Thiên Chúa (Lc 22, 70; Ga 13, 34), rồi còn tự coi mình vừa là con lại vừa là Chúa của vua Đa-vit (Lc 20, 41-44 ). Chưa hết, về giao du, sinh hoạt, Người chỉ chuyên “ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi” (Mt 9, 10-11).

Nếu không được ở liền bên Đức Giê-su hàng ngày, mà chỉ được nghe thuật lại những lời nói và hành động như nêu trên, chắc chắn sẽ cho Người chỉ là một chàng trai tự phụ, đại ngôn vậy thôi. Đám kinh sư và luật sĩ Pha-ri-sêu chống đối Người cũng là vì thế. Khoan thử nói đến những người ở bên ngoài Giáo Hội, mà hãy nói thẳng vào những người đã tin và đi theo Đức Giê-su như tìm đến một cứu cánh cho cuộc đời. Họ đi theo Đức Giê-su vì tin rằng mình sẽ trở nên những kẻ "lưới người như lưới cá". Rồi thì ngày ngày được nghe lời dạy bảo, được chứng kiến biết bao nhiêu phép lạ, mà vẫn còn bán tín bán nghi (khi thì coi Thầy mình đúng là Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa thật; khi thì lại coi Thầy là ma, là bị quỷ ám – Mc 3, 22 ; Lc 24, 37-39 ; Ga 8, 52 ; 10, 20...). Theo Thầy ròng rã 3 năm liền mà đến giờ phút quyết định, thì bỏ mặc Thầy mướt mồ hôi máu khi cầu nguyện trên núi Cây Dầu, còn mình thì thản nhiên ngủ khì (Mt 26, 36-45). Đến khi Thầy bị bắt giải đi thì chẳng thấy ai đi theo, ngoài một Phê-rô lảng vảng bên ngoài nhà Cai-pha, để rồi thì chối phăng Thầy 3 lần liền trong một đêm chỉ vì một đứa tớ gái vặn hỏi.

Trên đường lên Núi Sọ, cũng chẳng thấy môn đệ nào đi gần bên (để được như Si-mon – một dân quê xa lạ – vác đỡ thập giá, hoặc như một Vê-rô-ni-ca trao khăn cho Người lau mặt đầy máu), nếu có đi theo cũng chỉ ở xa xa hoặc lẫn trong đám người hiếu kỳ. Cho đến khi Đức Giê-su chết trên thập giá và được mai táng, thì hầu như chẳng còn một ai tin rằng Thầy mình sẽ sống lại. Ngay đến sáng ngày thứ ba, các phụ nữ – sau khi được chứng kiến Đức Ki-tô Phục Sinh hiện ra – đến báo tin cho các môn đệ (trong đó có Phê-rô) mà các ngài vẫn còn chưa tin hẳn và một lần nữa lại tưởng Người là ma! (“Nhưng các ông cho là chuyện vớ vẩn, nên chẳng tin… Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo: "Bình an cho anh em!" Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma” – Lc 24, 11…37). Thậm chí cho đến lúc trắng đen rõ ràng rồi, vậy mà vẫn còn một Tô-ma "Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin." (Ga 20, 25).

Tuy nhiên, chính cái mâu thuẫn nội tại trong con người các môn đệ lại là một bằng chứng sống động nhất cho biến cố Phục Sinh. Thật thế, khi người ta mang một tâm trạng hoài nghi thì khó lòng làm cho người ta tin tưởng được. Chẳng thế mà thế giới đã có cả một chủ thuyết hoài nghi hiện diện (không tin vào bất cứ sự gì, nên sống hôm nay không cần biết đến ngày mai). Nhưng nếu đến một lúc nào đó, được "nghe", được "thấy tận mắt"" ("thực mục sở thị"), được "chiêm ngưỡng", tay được "chạm đến" (như trường hợp Gio-an thánh sử – 1Ga 1, 1), tâm trạng hoài nghi thực sự được gỡ bỏ; thì lúc đó niềm tin của họ sẽ kiên định không gì lay chuyển nổi. Cho nên có thể nói: Nếu không vì cái tâm trạng hoài nghi đã từng dằn vặt tâm trí trước đó, thì khi được gột rửa (được thanh tẩy "trong Thánh Thần và lửa" – Mt 3, 11), niềm tin của các môn đệ tiên khởi không thể kiên định được đến độ dám đem cả sinh mạng của mình ra để làm chứng cho mầu nhiệm Phục Sinh. Nói cách khác, đức tin có vượt qua được thử thách mới trở nên kiên định (Gc 1, 3), vàng được thử lửa (1Pr 1, 7) mới thật sự là vàng ròng.

Đến ngay như Đức Giê-su Thiên Chúa nếu không trải qua cuộc Khổ Nạn (với những vết đòn roi trên thân xác, mão gai trên đầu, dấu đinh ở chân tay và nhất là vết thương ở cạnh sườn bị lưỡi đòng tội ác đâm thấu con tim) thì sự Phục Sinh của Người cũng chẳng còn ý nghĩa gì. Vì thế, vấn đề đặt ra với người Ki-tô hữu ngày hôm nay khi bước vào Tuần Thánh, chuẩn bị cử hành Tam Nhật Vượt Qua, không chỉ là tưởng niệm cuộc khổ nạn của Đức Giê-su Ki-tô và ăn mừng Lễ Phục Sinh đánh dấu mầu nhiệm Vượt Qua vinh hiển của Người, mà còn là làm sao vượt qua được chính mình trên hành trình dương thế, ngõ hầu tiến về được quê Trời vui hưởng hạnh phúc đời đời. Một cách cụ thể, chúng ta chỉ có thể đạt được ước vọng đó khi chúng ta được “cùng chết với Đức Ki-tô” (thử thách, thử lửa). Và chỉ có “cùng chết với Đức Ki-tô” thì mới được “cùng sống lại với Người”. Cụ thể hơn, cần phải vượt qua được bản chất “sợ chết” cố hữu của con người. Đức Ki-tô đã chết vì tội lỗi loài người, vậy thì tại sao loài người lại không sẵn sàng chết vì tội lỗi của chính mình, để hy vọng được thực sự “sống lại” trong Nước Trời vinh quang?

Mỗi năm chỉ có một Mùa Chay 40 đêm ngày hãm mình ép xác, ăn năn sám hối. Mỗi Mùa Chay cũng lại chỉ có một lần cử hành Tam Nhật Vượt Qua. Ngoài ý nghĩa trọng đại của Tam Nhật Vượt Qua như đã dẫn ở đầu bài viết, tôi cứ muốn nghĩ thêm rằng tôi phải thực hành (không chỉ là cử hành) cho kỳ được công cuộc vượt qua được Mùa Chay của bản thân tôi, của cuộc đời tôi. Và nhất là làm thế nào để mỗi năm thêm một lần tôi ghi dấu được cuộc vượt qua bằng một cái mốc thời gian trong cuộc đời. Tôi phải sống làm sao cho đúng với ý nghĩa “sống là chấp nhận vượt qua, vượt qua mọi cám dỗ ngọt ngào, mọi đam mê thấp kém, vượt qua mọi gian lao nguy hiểm, mọi thử thách nghiệt ngã – vượt qua được chính mình”. Cuộc sống của tôi không chỉ là mỗi năm một lần cử hành Tam Nhật Vượt Qua, mà phải là thực hành liên lỉ cuộc “bách-niên-vượt-qua”, cho tới ngày tới được cùng đích của cuộc đời. Ở đó, chính Người-đã-chết-cho-tôi, đã Vượt-Qua-sự-chết-vì-tôi, sẽ dang rộng vòng tay đón nhận tôi để tôi được cùng-sống-lại-với-Người.

Có thể ai cũng đã quen với lối diễn tả sống đức tin vào sự Phục Sinh là chết đi con người cũ của mình để sống đời sống mới trong Thánh Thần. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là: Nói thì thật dễ, và chính vì tưởng dễ như vậy nên mới vênh vang tự đắc; nhưng làm thế nào để có thể “chết đi con người cũ của mình” mới là thiên nan vạn nan. Và vì thế, để thực hiện sống niềm tin Phục Sinh cách thực tế và sống động, chỉ có một bí quyết, đó là: “Lý do khiến anh em vênh vang chẳng đẹp đẽ gì! Anh em không biết rằng chỉ một chút men cũng đủ làm cho cả khối bột dậy lên sao? Anh em hãy loại bỏ men cũ để trở thành bột mới, vì anh em là bánh không men. Quả vậy, Đức Ki-tô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta. Vì thế, chúng ta đừng lấy men cũ, là lòng gian tà và độc ác, nhưng hãy lấy bánh không men, là lòng tinh tuyền và chân thật, mà ăn mừng đại lễ.” (1Cr 5, 6-8).

Vâng, người Ki-tô hữu “ăn mừng đại lễ Phục Sinh” cũng có nghĩa là sống mầu nhiệm Phục Sinh, sống với “lòng tinh tuyền và chân thật”. Cuộc đời Ki-tô hữu là một tiến trình “loại bỏ men cũ để trở thành bột mới”. Cuộc loại bỏ và trở thành ấy diễn ra trong mọi quyết tâm và nỗ lực là “trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Ki-tô” (“Vấn đề là được biết chính Đức Ki-tô, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người, với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết.” – Pl 3, 10-11).

Tóm lại, để sống trọn hảo Mùa Chay thánh 2014, người Ki-tô hữu hãy mau mắn đáp lại mong ước của vị Cha Chung (ĐTC Phan-xi-cô): “Anh chị em thân mến, ước gì Mùa chay này thấy được toàn thể Giáo Hội sẵn sàng và mau mắn làm chứng cho những người đang sống trong tình trạng lầm than vật chất, luân lý và tinh thần: làm chứng về sứ điệp Tin Mừng, được tóm tắt trong việc loan báo tình thương của Chúa Cha từ bi, sẵn sàng ôm lấy mỗi người trong Chúa Ki-tô. Chúng ta có thể thi hành điều ấy theo mức độ chúng ta được trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, Đấng đã trở nên nghèo và làm cho chúng ta được giàu sang bằng cái nghèo của Ngài. Mùa Chay là mùa thích hợp để cởi bỏ, làm cho chúng ta tự hỏi đâu là điều chúng ta có thể chịu thiếu để giúp đỡ và làm cho người khác trở nên phong phú nhờ cái nghèo của chúng ta.”

Quả thật “Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới. Thật vậy, vì chúng ta đã nên một với Đức Ki-tô nhờ được chết như Người đã chết, thì chúng ta cũng sẽ nên một với Người, nhờ được sống lại như Người đã sống lại.” (Rm 6, 4-5). Và chỉ đến khi đó, tôi mới thật sự vui mừng mà hoà chung tiếng hoan ca với mọi người: Chúa đã sống lại hiển vinh! Alleluia! Alleluia! Ôi, lạy Chúa! Con đã tự ru mình vào những cám dỗ ngọt ngào của ba thù, đã tự kết án mình, đã chết vì chính tội lỗi của con. Xin cho con vượt qua được mọi nỗi thống khổ trần ai, vượt qua được chính mình, để được cùng sống lại với Ngài trong ngày sau hết. Amen. Alleluia! Alleluia!

                                                                                     JM. Lam Thy ĐVD.
                                                                                     (Nguồn: thanhlinh.net)

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

PHỤNG VỤ »»

KT - GIÁO LÝ »»

BÀI GIẢNG »»

SUY NIỆM »»

ĐỨC MẸ MARIA »»

CÁC THÁNH »»

GIÁO HỘI HOÀN CẦU »»

GIÁO HỘI VIỆT NAM »»

TRONG CÁC NHÂN ĐỨC, ĐỨC MẾN LÀ CAO TRỌNG HƠN CẢ

Giảng Lễ