TỪ ĐẠO HIẾU
ĐẾN ĐẠO CHÚA
Ngày Tết Việt Nam luôn có một ý
nghĩa gia đình rất sâu đậm. Dù đi đâu xa người ta vẫn cố gắng về quê ăn Tết.
Ngày xuân gia đình đoàn tụ, con cái chúc tuổi cha mẹ, học trò chúc tuổi thầy
cô, kẻ dưới chúc tuổi người trên, bà con bạn bè thăm viếng nhau. Ngày Tết mọi
người được liên kết trong niềm vui yêu thương chia sẽ. Ngày Tết còn liên kết
người sống với người chết, hiệp thông con cháu với tổ tiên ông bà cha mẹ đã qua
đời. Nhiều người có thói quen đi tảo mộ những ngày trước Tết. Người ta tin rằng
dịp đầu năm ông bà tổ tiên về sum họp với con cháu. Niềm tin đó có tác dụng
tích cực giúp người sống luôn nhớ tới cội nguồn, sống hiếu thảo, ăn ở xứng đáng
với dòng tộc của mình.
Người Việt Nam
rất trọng lễ giáo, coi trọng sự bền vững gia đình với những tôn ti trật tự, với
cung cách ứng xử theo mỗi bậc người. Theo đó người Việt nam có nét đặc trưng
trong cách thức chào hỏi, xưng hô giao tiếp mà những ngôn ngữ của các dân tộc
khác dù văn minh cũng không có được. Linh mục F. Buzomi, dòng Tên, nhà truyền
giáo đã đặt chân lên đất Việt nam khá sớm vào ngày 18.1.1615, có nhận xét chí
lý : “Nhờ Khổng giáo, xã hội và gia đình
Việt Nam đã có một tổ chức rất cao, người dân Việt nam có những đức tính, phong
tục rất đáng khâm phục, nó đã giúp rất nhiều vào công việc truyền giáo” (Nguyễn
Hồng, Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam, Sài gòn 1959, tr.55).
Trong lễ giáo
thì ân nghĩa là đầu tiên. Tôn kính tổ tiên là một cách tỏ ân nghĩa đối với các
vị tiên nhân, ông bà cha mẹ. Lúc ông bà cha mẹ còn sống, con cháu phải kính
mến, phụng dưỡng các ngài thì lòng phải vui, vâng lời chiều ý các ngài, ăn ở
sao cho các ngài hài lòng. Khi các ngài qua đời, lo an táng tử tế, con cháu thờ
kính, giỗ chạp hàng năm. Khi tam giáo (Phật, Khổng, Lão) chưa du nhập Việt
Nam thì người Việt đã biết kính thờ tổ tiên, trọng kính cha mẹ, thương yêu anh,
chị, em và hầu như mọi gia đình đều lập bài vị ông bà, cha mẹ để thờ cúng.
Những ngày giỗ kị thì thắp nhang, dâng hoa quả, cơm nước đặt trên bàn thờ để
mong ông bà, cha mẹ (những người đã khuất) về hưởng. Nhà nghèo nhất cũng có
chén cơm trắng với quả trứng luộc dâng lên với tất cả lòng thành. Tuy người đã
khuất không hưởng được, nhưng lễ nghi ấy lại cần thiết để giáo hóa con cái để
sau này chúng cũng nhớ đến ông bà, cha mẹ như vậy. Người Việt vốn hiền hoà,
tình cảm, lại chung sống cộng đồng với nhau, suốt đời quanh quẩn bên luỹ tre
làng ; cho nên dù sống, dù chết, họ vẫn gần gũi bên nhau, ấm áp tình người.
Việc thờ cúng tổ tiên là mạch nước ngầm trong mát vẫn mãi nuôi sống và nối kết
những tâm hồn Việt Nam giàu tình trọng nghĩa.
Mỗi người Việt
Nam đều có một đạo rất gần gũi, đó là Đạo Ông Bà hay Đạo Hiếu. Trong mỗi gia
đình người Việt, dù sang hay hèn cũng dành một nơi trang trọng nhất để đặt bàn
thờ gia tiên. Ông bà cha mẹ dù có khuất đi nhưng vẫn luôn hiện diện gần gũi với
con cháu. Những ngày đầu tháng, ngày rằm, ngày tết, gia đình làm mâm cơm cúng
ông bà. Tấm lòng của con cháu tỏ bày lòng hiếu kính biết ơn. Mỗi khi trong gia
đình có việc gì quan trọng như dựng vợ gả chồng cho con cái, hoặc con cái thi
cử đỗ đạt… cha mẹ đều dẫn con cái đến trước bàn thờ gia tiên để trình diện với
các ngài, bày tỏ mọi việc để các ngài chứng giám. (x. Gia đình Việt Nam, mảnh đất phì nhiêu cho hạt giống Tin Mừng,
Thời sự thần học số 32 tháng 06/03).
Đạo Hiếu là
cốt tuỷ của nền văn hoá Á châu trong đó có Việt Nam. Hiếu là gốc của đức. Người
ta có 100 nết nhưng hàng đầu vẫn là Hiếu. Chưa từng có người nào hiếu thảo lại
bất trung, cũng như chưa từng có người hiếu thảo nào lại bất nhân.
Cốt lõi của Hiếu
bắt đầu bằng : tôn kính cha mẹ lúc còn sống, thờ phượng cha mẹ lúc qua
đời.Biết ơn cha mẹ phải được nói lên bằng đạo hạnh, bằng thờ cúng tổ tiên. Đó
là nhiệm vụ thiêng liêng, là phẩm chất tối cao của con người.
Việc hiếu lễ
từ ngàn xưa đã in sâu vào tâm linh mỗi người. Dân tộc Việt Nam từ nam chí bắc
dù ai theo tín ngưỡng nào, dù có bài bác thần linh nhưng với ý niệm “Cây
có cội, nước có nguồn” đều coi trọng gia lễ.
Ca dao đã đúc
kết lòng hiếu nghĩa ấy :
Cây
có gốc mới nở ngành sinh ngọn
Nước
có nguồn mới bể rộng sông sâu
Người
ta có gốc từ đâu
Có cha có mẹ rồi sau có mình.
Đạo Hiếu chính
là đạo của lòng biết ơn. Biết ơn trời đất, biết ơn tổ tiên ông bà cha mẹ. Ơn
cha nghĩa mẹ sinh thành, ơn chín chữ, đức cù lao, ơn võng cực biển trời “Ai ai phụ, mẫu sinh ngã cù lao, dục báo chi
đức, hạo thiên võng cực”. Cha mẹ sinh ra ta, nâng đỡ ta từ cung lòng, vỗ về
âu yếm, nuôi dưỡng bú mớm, bồi bổ cho lớn khôn, dạy ta điều hay lẽ phải, dõi
theo mỗi bước đường đời của ta, tuỳ tính tình mỗi đứa con mà khuyên dạy, che chở
bảo vệ con. Ơn đức cha mẹ như trời biển “Công cha như núi thái sơn, nghĩa mẹ
như nước trong nguồn chảy ra”.
Đạo Hiếu là
nền tảng văn hoá gia đình Việt Nam. Người Việt yêu chuộng những gì là tình, là
nghĩa, coi tình nghĩa hơn lý sự “một trăm
cái lý không bằng một tí cái tình” ; chấp nhận “bán anh em xa mua láng giềng gần” ; thích “dĩ hoà vi quý”, độ lượng “chín
bỏ làm mười” ; quý trọng con người, không tôn thờ của cải “người là vàng,
của là ngãi ; người làm ra của chứ của không làm ra người” ; mong muốn anh
em bốn biển một nhà “tứ hải giai huynh
đệ” ; đề cao tinh thần khoan dung “đánh
kẻ chạy đi, ai đánh người chạy lại”. Đỉnh cao của lòng nhân ái là “thương người như thể thương thân”.
Gia đình Việt
nam có nhiều thế hệ sống với nhau “tứ đại
đồng đường”. Người Việt quan niệm “một
mẹ già bằng ba hàng dậu”. Cha mẹ già không còn lo việc đồng áng, ở nhà chăm
nom giữ cháu. Bầu khí gia đình luôn ấm cúng. Tuổi thơ con trẻ được ươm đầy
tiếng ầu ơ của bà, câu chuyện cổ tích của ông. Từ lúc chưa rời vành nôi, trẻ
thơ đã được trau dồi cái nhân cái nghĩa. Khi lớn lên, con cái lập gia thất, cha
mẹ cho miếng đất dựng căn nhà, con cháu sum vầy bên ông bà cha mẹ, tối lửa tắt
đèn có nhau. Chính gia sản tinh thần gia đình là chất keo nối kết tầm hồn con
người lại để rồi ai ai cũng cảm thấy “quê
hương mỗi người chỉ một …đi đâu cũng phải nhớ về” (Quê hương, Đỗ Trung Quân).
Dù đi học xa, đi làm xa, đi đâu xa cũng phải về với gia đình sum họp những ngày
cuối năm, ngày đầu năm. Ngày Tết là những ngày thiêng liêng ấm áp tình gia
đình. Con cháu quy tụ chúc Tết với cử chỉ thành kính chắp tay chào lạy, dâng
quà lễ mừng thọ.
Gia đình Việt
Nam là môi trường đào tạo con người toàn diện, tỉ mỉ và hiệu lực nhất. Dưới mái
trường này, con người được đào tạo cả về kiến thức, tâm hồn, tư duy, nhân cách,
lối sống để rồi có đủ bản lãnh và khả năng bước vào đời sống xã hội. Gia đình
là nơi đào tạo căn bản nhất lòng đạo đức, giúp phát triển cái tài, nhân rộng
cái đức cho con cái vào đời.
Đạo Hiếu chính
là sợi chỉ vàng nối kết mọi người, mọi sinh hoạt gia đình. Đạo Hiếu làm nên bản
sắc văn hoá người Việt. Như thế, tâm thức dân Việt rất gần với Tin Mừng Đạo
Chúa. Điều răn thứ bốn dạy thảo kính cha mẹ được đặt ngay sau ba điều răn về
Thiên Chúa đủ nói lên tính cách quan trọng của nó. Sách Giảng Viên dạy : “Thảo kính cha mẹ là thảo kính Chúa, tôn
kính cha mẹ là tôn kính Chúa”. Chính Chúa Giêsu là mẫu mực hiếu thảo với
Cha, yêu mến Cha, vâng ý Cha, luôn làm đẹp lòng Cha. Chúa Giêsu đã lên án bọn
người lấy cớ để tiền của dâng cúng vào đền thờ mà trốn tránh bổn phận giúp đỡ
cha mẹ. Đạo Chúa cũng là Đạo Hiếu. Hiếu với cha mẹ, đấng bậc sinh thành dưỡng
dục. Hiếu với Thiên Chúa và thờ phượng Người, Đấng sáng tạo muôn loài, dựng nên
con người giống hình ảnh Người. Như vậy Đạo Chúa cũng chỉ gồm chữ Hiếu. Thờ lạy
Thiên Chúa là chân nhận Người chủ tể muôn loài, con người có bổn phận tôn vinh
thờ phượng tỏ bày lòng hiếu thảo. Đối với tha nhân, Đạo Chúa dạy phải sống
hiếu, phải thể hiện hiếu. Điều răn trọng nhất “kính Chúa, yêu người” là điều răn của Đạo Hiếu. Không một tôn giáo
nào khai triển Đạo Hiếu cho bằng Đạo Chúa. Hiếu với Chúa, hiếu với tha nhân,
đặc biệt hiếu với tổ tiên ông bà cha mẹ. Vì hiếu với Chúa nên phải tu thân tích
đức để làm vui lòng Chúa, xứng đáng làm con cái của Người. Vì hiếu với ông bà cha
mẹ nên phải sống đạo làm con, giữ nề nếp gia phong lễ nghĩa, làm vinh dự cho
gia đình, gia tộc.
Chính từ tổ
tiên ông bà cha mẹ mà người Việt Nam có thể tìm đến với Đấng là nguồn gốc mọi
gia tộc trên trời dưới đất. Đạo Hiếu là một điểm tựa, một bước đi khởi đầu
thuận lợi, một lối đi dễ dàng, gần gũi, một mảnh đất phì nhiêu để đưa con người
vào Đạo Chúa. Loan báo Tin Mừng của Đạo Chúa chính là làm sáng lên những nét
tinh tuý tiềm tàng trong mỗi nền văn hoá. Đối với môi trường gia đình Việt Nam,
đó chính là “minh minh đức”, làm sáng cái đức sáng trong môi trường gia đình.
Tin Mừng chính là nguồn nước thẩm thấu qua mọi lớp ngăn văn hóa và tôn giáo,
Tin Mừng là ánh sáng các dân tộc (LG), là ánh sáng trần gian (Ga 8,12). Tin
Mừng và văn hóa giao thoa và hoà điệu với nhau. Phụng vụ Giáo Hội dành ngày
Mồng Hai Tết để cầu cho tổ tiên. Hằng ngày trong mọi thánh lễ, Giáo Hội đều có
lời cầu nguyện cho ông bà tổ tiên.
Đạo Chúa dạy,
có một Cha trên trời mà con người phải tôn kính hiếu thảo ; dạy yêu thương nhau
“Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã
yêu thương anh em” ; dạy sống chan hoà, bình dị “anh em hãy học cùng tôi vì tôi hiền lành và khiêm nhường trong lòng”,
dạy yêu quý sự sống “Tôi đến để chiên
được sống và sống dồi dào”. Tin Mừng làm sáng lên những giá trị sáng
ngời có sẵn trong môi trường văn hoá Việt Nam, mang đến cho các giá trị văn hoá
ấy chiều kích siêu việt, chiều kích cứu độ (Quốc
Văn, OP).
Đức Cố Hồng Y
F.X. Nguyễn Văn Thuận đã đề cao vai trò gia đình, lòng thảo hiếu của con cái “chủng viện thứ nhất, đệ tử viện thứ nhất,
trường sư phạm thứ nhất là gia đình công giáo. Không vị giám đốc tài ba, chuyên
môn đến đâu có thể thay thế cha mẹ được. Nếu cơ sở bậc nhất ấy bị hỏng, tương
lai Hội Thánh và xã hội nhân loại cũng rung rinh sụp đổ”. Đức Gioan XXIII
biên thư cho cha mẹ ngày ngài được ngũ tuần : “Thưa thầy mẹ, hôm nay con được 50 tuổi. Chúa thương ban cho con nhiều
chức trong Hội Thánh, đi nhiều nơi, học nhiều sách, nhưng không trường nào dạy
dỗ con, làm ích cho con hơn hồi con được ngồi trên chân thầy mẹ” ( ĐHV 505).
Tinh thần hiếu
hoà, lòng thảo hiếu của người Việt là điểm son đậm đà bản sắc dân tộc. Tin Mừng
bén rễ sâu vào nền văn hoá ấy làm xanh lên chồi lộc sự sống tình yêu rồi kết
thành hoa trái tốt lành cho con người và cuộc đời.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét